Skip to content Skip to navigation

Kết nối trung tâm vùng ĐBSCL

Đóng vai trò kết nối giữa trung tâm kinh tế lớn TP.HCM với TP. Cần Thơ và các tỉnh Tây Nam Bộ, tỉnh Vĩnh Long đang có lợi thế lớn trong thu hút đầu tư vào địa bàn. Phóng viên Báo Đầu tư trao đổi với ông Phạm Văn Đấu, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long về tiềm năng này.
Ông có thể khái quát về tiềm năng và lợi thế của tỉnh Vĩnh Long trong thu hút đầu tư?

Nằm ở khu vực trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cách TP.HCM 136 km về phía Đông Bắc và TP. Cần Thơ 40 km về phía Nam, Vĩnh Long là nơi tập trung nhiều đầu mối giao thông thủy, bộ quan trọng. Hơn nữa, Vĩnh Long nằm giữa hai sông lớn Tiền Giang và Hậu Giang, là cửa ngõ lưu vực sông Mêkông, nên có vị thế quan trọng trong phát triển Vùng ĐBSCL.

Việc cầu Mỹ Thuận và Cần Thơ được đưa vào sử dụng đã phá thế ốc đảo, tạo điều kiện để Vĩnh Long thông thương với toàn vùng ĐBSCL, gắn kết với hai trung tâm kinh tế lớn TP.HCM và TP. Cần Thơ.

Với diện tích tự nhiên 1.475,2 km2, Vĩnh Long là miền đất trù phú được thiên nhiên ưu đãi nguồn nước ngọt quanh năm, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, thích hợp cho các cây trồng nhiệt đới, đặc biệt là bưởi Năm Roi, cam, quýt, nhãn, xoài, chôm chôm… cùng nhiều loại thủy sản nước ngọt có giá trị xuất khẩu như: tôm càng xanh, cá ba sa, cá tra… Đặc biệt, Vĩnh Long có nguồn khoáng sản đất sét, cát sông dồi dào. Ngoài ra, địa phương còn được biết đến với nhiều ngành nghề truyền thống nổi tiếng như: gạch ngói, gốm sứ, thủ công mỹ nghệ...

Vĩnh Long còn được xem là một trong những trung tâm đào tạo nhân lực ở ĐBSC. Nơi đây có hệ thống trường phổ thông chất lượng và có mạng lưới trường đào tạo chuyên nghiệp từ bậc công nhân kỹ thuật đến đại học. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 6 trường đại học và cao đẳng, 17 trường dạy nghề và trung tâm dịch vụ việc làm, liên kết đào tạo với một số trường trong khu vực.

Tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng và từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng và đang mời gọi đầu tư vào Khu công nghiệp (KCN) Bình Minh, KCN Hòa Phú, tuyến Công nghiệp Cổ Chiên, Khu thương mại - dịch vụ Mỹ Thuận, Khu thương mại - dịch vụ Phước Thọ, Khu đô thị mới Phước Yên, các cụm công nghiệp ở các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Trong tương lai, Vĩnh Long sẽ phát triển thêm 5 KCN nữa.

Du lịch cũng là một trong những ngành kinh tế có nhiều tiềm năng của tỉnh, với những di tích văn hóa lâu đời như: Văn Thánh Miếu, Văn Xương Các, chùa Tiên Châu, đền Công Thần…

Vĩnh Long đang tập trung mời gọi đầu tư vào lĩnh vực nào và ưu đãi đầu tư ra sao, thưa ông?

Vĩnh Long đang tập trung mời gọi đầu tư vào 6 lĩnh vực chủ yếu, với 36 dự án trọng điểm. Cụ thể: lĩnh vực hạ tầng, công nghiệp (16 dự án); đô thị, nhà ở (7 dự án); thương mại, dịch vụ (4 dự án); giáo dục, y tế (4 dự án); nông nghiệp (2 dự án); thể thao - du lịch (3 dự án).

Về chính sách ưu đãi đầu tư, nếu nhà đầu tư có dự án thuộc lĩnh vực và địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, thì được hưởng các ưu đãi đầu tư theo quy định như: miễn, giảm thuế; ưu đãi về chi phí sử dụng đất; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở ngoài KCN, khu công nghệ cao; hỗ trợ giải phóng mặt bằng, ưu đãi chi phí quảng cáo; hỗ trợ một phần chi phí xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ kinh phí lập các thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư và dự án đầu tư...

Thời gian qua, tỉnh đã có sự chuẩn bị gì về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính…, nhằm tạo môi trường thuận lợi, hấp dẫn nhà đầu tư?

Vĩnh Long đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, như đa dạng các hình thức thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ cải cách thủ tục hành chính, sẵn sàng tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư, hỗ trợ đào tạo nguồn lao động cho DN..., tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai dự án một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư m?nh trong thời gian qua. Hệ thống giao thông thủy bộ thông suốt trong và ngoài tỉnh; điện, nước, thông tin liên lạc... đảm bảo phục vụ tốt sản xuất - kinh doanh của DN và sinh hoạt của nhân dân.

Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được tỉnh đặc biệt quan tâm. Cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa, để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các DN, nhà đầu tư khi đến đầu tư tại tỉnh Vĩnh Long. Tỉnh đang thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Đặc biệt, UBND tỉnh đã có Quyết định 1792/QĐ-UBND ngày 23/9/2008 về việc ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan giải quyết đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và đăng ký con dấu đối với DN thành lập, hoạt động theo Luật DN, giúp DN, nhà đầu tư triển khai dự án một cách nhanh chóng và hiệu quả.

 

Phú Khởi

 

 

Nguồn: www.baodautu.vn