Skip to content Skip to navigation

Vàng tăng nóng, bất động sản thêm lạnh

Những cơn sóng dữ dội trên thị trường vàng chưa có dấu hiệu dừng lại. Những người vốn không có ý định quan tâm đến việc kinh doanh vàng cũng bị lôi vào cuộc chao đảo, khi đang tham gia giao dịch mua-bán những bất động sản (BĐS) được định giá bằng vàng.

Cơn lạnh” từ việc áp dụng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cuối tháng 9 chưa dứt, thị trường BĐS lại thêm “lạnh” bởi giá vàng tăng phi mã. Các giao dịch nhà phố, thị phần có sự thanh khoản cao nhất trên thị trường và cũng là thị trường duy nhất còn giao dịch bằng vàng đã chính thức đóng băng trở lại. BĐS tiếp tục chìm trong sự mất thanh khoản trên diện rộng.

Chị Minh, một nhà đầu tư cho biết, chị mua căn nhà tại Q.Phú Nhuận (TP.HCM) năm 2008 với giá 130 lượng vàng, tương đương 2,34 tỉ đồng (giá vàng khoảng 18 triệu đồng/lượng). Đến nay, có khách hàng trả 3 tỉ đồng nhưng chị không bán dù tính trên thực tế, số tiền lời đã lên cả 700 triệu đồng.

Lý do theo chị, nếu tính ra vàng thì chị vẫn lỗ vì “3 tỉ đồng giờ không thể mua được 130 lượng vàng trong khi đó, lúc trước mua căn nhà này, mình phải trả bằng vàng”. Đó là chưa kể, nếu tính các chi phí, thuế TNCN phải đóng còn chưa biết tính thế nào. “Không khéo lãi chẳng thấy lại thấy lỗ vì tôi cũng bỏ không ít tiền vào sửa sang lại căn nhà này”, chị Minh nói.

Có thể nói, giao dịch BĐS bằng vàng đã bị “thất sủng” vài năm trở lại đây, khi giá vàng liên tục biến động. Giao dịch bằng tiền đồng, USD là phổ biến trong thị phần căn hộ, đất nền dự án. Chỉ còn mảng nhà phố, thị phần ít biến động về giá và cũng ít có sự tham gia của giới đầu tư lướt sóng nên vẫn còn giao dịch bằng vàng.

Đây cũng là điểm sáng nhất trong cơn đóng băng của thị trường BĐS cả năm trở lại đây. Trên thực tế, thị phần nhà phố không nằm trong các cơn sốt thật và cả sốt ảo trong suốt thời gian qua. Vì vậy, thị phần này vẫn có giao dịch dù thị trường BĐS đã sụt giảm và thanh khoản yếu trong một thời gian dài.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, do giá vàng tăng quá cao nên giao dịch nhà phố đã chính thức bị ngưng trệ. Anh Hòa, người đang định mua nhà tại khu vực Q.3 cho biết, căn nhà anh mua có diện tích 36m2, khu yên tĩnh và dân trí cao nên vợ chồng anh đã đồng ý mua. 2 bên đã thỏa thuận giá là 217 lượng vàng và anh đã đặt cọc 50 triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, giá vàng đã tăng vọt khiến vợ chồng anh rơi vào tình trạng “tiền mất tật mang”.

Cụ thể, khi anh đặt cọc, giá vàng vẫn còn ở mức khoảng 23 triệu đồng/lượng nhưng đến thời điểm giao vàng, giá vàng lên đến hơn 28 triệu đồng/lượng. Nếu thực hiện hợp đồng, số tiền anh phải bù thêm là rất lớn vì giá vàng tăng hơn 5 triệu đồng/lượng. “Một đằng mất 50 triệu đồng tiền cọc, một đằng là bù thêm hơn tỉ bạc, thôi đành mất cọc vậy”, anh Hòa than thở. Giá vàng tăng phi mã cũng chính là nguyên nhân khiến hàng loạt hợp đồng mua bán nhà phố trong thời điểm này bị tan vỡ.

Điểm sáng nhất, thị phần có sự thanh khoản cao nhất trên thị trường BĐS là nhà phố thì nay đã chính thức ngưng trệ trở lại do giá vàng biến động bất thường. Có thể nói, thị trường BĐS vẫn chưa hết những sóng gió để tan băng dù các nhà đầu tư đã sẵn sàng vào cuộc.

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên